Gia đình Saiya

Chúng tôi là Gia đình Saiya trong truyền thuyết

A lô, Em yêu anh (33)

trên 02/11/2013

Thời gian đầu theo đuổi, anh hay mời cô đi uống café, những lần như vậy cô đều nói, em không uống café. Sau này quen nhau, anh đều nói là đi uống nước. Ánh không có thói quen từ chối người khác quá ba lần, mặc dù ít ai mời cô đến lần thứ ba. Minh Tuấn cũng mời đến lần ba cô mới nhận lời. Ánh nghĩ giữa mình và Anh Duy không còn những mối lưu tâm chung và một sợi dây gắn kết nào ngoại trừ quá khứ, nhưng gặp lại nhau có lẽ là ý định của ông trời. Anh cũng không giống ngày xưa nữa, lịch lãm và nhẫn nại, hoặc ít ra anh tỏ vẻ như thế. Ánh nghĩ, xem như gặp lại một người bạn cũ. Cô nói:

“Được.”

Tối đó Ánh về nhà, thấy Sam đang loay hoay dọn chén đũa với vẻ mặt đầy nụ cười. Ánh tắm trước rồi mới bước ra ăn cơm. Thường về nhà cô tắm ngay, vì thời gian tắm cũng không bao lâu, chỉ có hôm qua thẩn thơ thế nào mà mất gần một tiếng. Ánh ngồi xuống bàn ăn, đợi Sam xới cơm cho mình, ngại ngần nhìn tô canh khổ qua nấu tôm.

“Tôi không thích ăn khổ qua.”

Ngày còn ở nhà, mẹ thỉnh thoảng vẫn hầm khổ qua cho ba, Ánh thì nhất quyết không chạm vào dù chỉ một muỗng nhỏ. Trái khổ qua đắng nghét đó Ánh ghét nhì sau sầu riêng. Cô không thích những thứ quá nặng mùi, nhẫn đắng.

“Sao vậy?” – Sam không giấu vẻ bất ngờ.

“Tôi không thích món đắng.” – Ánh thú thật.

Sam trước nay chỉ nấu những món đơn giản và thường hỏi Ánh trước khi nấu. Cậu không biết nấu nhiều món, không có thời gian để khám phá món mới, và trình độ nấu ăn thì chỉ ở mức có thể nuốt vào bụng mà không bị đau. Khổ qua không phải món phức tạp gì, nhưng các món ăn thường lặp lại và may mắn là khổ qua chưa bao giờ xuất hiện trong bữa ăn của họ. Nghe Ánh nói thế, Sam nhe răng cười:

“Thật ra tôi cũng sợ đắng.”

Ánh nhướng mắt nhìn Sam. Cô nhớ lại khoảng thời gian ở café Trắng, rõ ràng Sam rất kén ăn. Cậu không ăn ớt, dù là ớt Đà Lạt, chỉ gọi những món quen thuộc như mì Ý, nui xào, cơm hải sản… Việc đó lặp đi lặp lại hàng ngày, tự thu vào bộ nhớ của Ánh nhưng cô chưa bao giờ xử lý nó, mãi đến hôm nay mới có dịp nghĩ đến. Sống chung một thời gian nhưng ngoài cái tính thiếu gia ương bướng luôn cố gắng mềm mỏng trong thân phận ăn nhờ ở đậu, cô không biết cậu thích gì, ghét gì. Cô ngạc nhiên hỏi:

“Không thích ăn sao còn nấu?”

“Tôi thấy trên mạng nói canh khổ qua trị cảm nên mới nấu.”

“Nhưng thật sự tôi không thích khổ qua.” – Anh áy náy một cách quyết tâm.

Sam không nói gì, lặng lẽ múc một chén canh cho mình, bắt đầu ăn. Ánh nhìn theo từng động tác và sắc thái trên mặt cậu, liên tưởng cậu chuẩn bị ăn độc dược chứ không phải canh giải cảm. Muỗng đầu tiên cậu phải hạ quyết tâm lắm để nuốt vào, nhưng sau đó thì mọi việc dễ dàng hơn. Cậu mỉm cười nói:

“Tôi nghĩ là khổ qua hầm mới đắng, còn khổ qua bào mỏng, rửa mấy lượt nước rồi nấu thì cũng không đắng lắm đâu. Tôi ăn rồi nè, Ánh cũng thử đi.”

Ánh miễn cưỡng múc canh ăn thử. Sam đã chu đáo và nghĩ cho cô như thế, cô cũng không nên phụ tâm sức của cậu. Tự nhiên cô nhớ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ có chi tiết Nhạc Linh San bị bệnh nhưng không chịu uống thuốc, đại sư huynh đã chấp nhận uống chung với cô, chịu đắng cùng cô, nhưng mọi cố gắng của anh chẳng đạt được gì. Ngược lại, tiểu sư đệ mới gia nhập ban phái không bao lâu, đưa cho cô một cây hồ lô ngào đường, đã khiến Nhạc đại tiểu thư ngoan ngoãn uống thuốc và yêu luôn anh chàng này. Trước giờ Ánh luôn cho rằng Lệnh Hồ Xung quá bộc trực, không biết cách dỗ ngọt con gái, nhưng khi Sam làm những hành động đó, cô lại cảm động, thấy lòng mình mềm đi, sẵn sàng ăn món canh có vị hơi đắng ấy. Có lẽ cô không phải là Nhạc Linh San, Ánh nghĩ.

“Ngày mai Ánh có rảnh không?”

Ánh nhìn nét mặt hỏi cho có của Sam, biết rằng cậu đinh ninh cô rảnh, Ánh không đáp ngay mà hỏi lại:

“Có gì không?”

Sam lấy trong túi ra một cặp vé xem phim:

“Tôi có hai vé coi phim nè, mình đi coi nhé.”

Ánh liếc nhìn cặp vé phim “Dành cho tháng sáu”, nhìn thời gian in trên vé, khẽ giọng:

“Xin lỗi, tôi có hẹn rồi.”

Sam bất ngờ trước câu trả lời của Ánh, hơi lúng túng. Ánh khẽ trách:

“Sao Sam lại phí tiền mua vé xem phim vậy? Hai tấm vé này ăn được mấy bữa ngon đó.”

Sam vội vã phân bua:

“Không có. Vé này là một người bạn tặng.”

“Ai mà tốt bụng vậy? Sao không tự đi coi mà lại tặng Sam?” – Ánh nghi ngờ.

“Ừm, có một bạn cùng lớp, được chị hai tặng cho cặp vé, bạn ấy cho, nói là rủ ai đó đi xem.”

“Sam có hỏi tặng sao bạn ấy không đi không?” – Ánh tò mò.

“Có, bạn ấy bảo vì chẳng biết đi với ai cả. Tôi thấy tôi với Ánh cũng chưa đi xem phim lần nào, nên tôi lấy.” – Sam vô tư kể.

Ánh nhíu mày:

“Bạn đấy là nam hay nữ?”

Sam hơi ngập ngừng:

“Nữ. Có gì không Ánh?”

Ánh hiểu ra, lườm Sam:

“Người ta muốn rủ Sam đi chung mà…”

Sam ngớ người một hồi lâu, lúng túng:

“Muốn rủ đi chung sao không nói thẳng, lại…”

Ánh cắt ngang:

“Người ta là con gái, ngại mà. Khó khăn lắm mới nghĩ ra một lý do hợp lý. Chắc là vừa nói vừa mong Sam đề nghị vậy thì đi chung đi. Rốt cuộc Sam lấy cả hai tấm vé.”

Sam đưa mắt nhìn Ánh, dường như trong lòng đang rất rối. Ánh khẽ thở dài, cậu nhóc này không rành rẽ tâm lý nữ giới. Như vậy mà còn bao cô thích, sành sỏi rồi, có phải sẽ làm bao thiếu nữ phải nhòa lệ không. Sam nói bằng một giọng ấm ức:

“Chẳng hiểu nỗi con gái nghĩ gì. Nhưng mà cho dù có nói thẳng ra, chắc gì tôi đã đi chung chứ.” – Sam đột nhiên ngắt ngứ – “Người ta chỉ muốn đi với Ánh thôi mà.”

Sam ngước mắt nhìn Ánh, vẻ dò hỏi.

“Cuối tuần này tôi có hẹn rồi.”

Câu trả lời nằm ngoài kịch bản của Sam khiến cậu hơi khựng lại. Có lẽ Sam đinh ninh Ánh không bận rộn gì, vì từ lúc cậu đến đây, cô không đi đâu vào ngày cuối tuần.

“Đổi giờ không được à?”

“Đã hẹn rồi, không nên thay đổi. Huống chi người ta cũng bận rộn.”

Ánh cảm thấy có chút áy náy. Cô không muốn thẳng thừng dập tắt niềm vui của Sam, nhưng cô không có tâm trạng đi chơi vào lúc này. Ánh chuẩn bị tinh thần, đợi Sam kỳ kèo, cô sẽ cứng rắn từ chối thêm lần nữa. Nào ngờ Sam không dỗi, cũng chẳng nằn nì. Cậu chỉ nói thêm một câu trước khi ăn cơm tiếp:

“Thôi để dịp khác vậy. Tôi thấy Ánh cứ ở nhà vào ngày cuối tuần, tính tìm tiết mục vui với Ánh thôi.”

Câu chuyện bỏ dở tại đó. Hôm sau lúc Ánh thức giấc, thấy Sam đang lau dọn nhà cửa. Cô đánh răng xong, ra ngoài phòng lại thấy tô phở nghi ngút khói trên bàn, còn Sam ngồi làm bài tập. Ngày nghỉ Ánh thường dậy muộn hơn một chút. Sam biết nên không đánh thức, mua sẵn đồ ăn, chờ Ánh thức thì hâm nóng nó lại. Có khi cậu ăn cùng, có khi ăn trước rồi làm bài tập. Lúc nào làm bài cậu cũng rất chăm chú, dường như chẳng hay biết sự việc diễn ra xung quanh nữa. Ăn xong, Ánh đem tô ra sau rửa, rồi mở laptop lên mạng xem xét tình hình của Metoo. Metoo càng phát triển thì càng có nhiều vấn đề tồn động. Ánh chỉ là trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng, nói trắng ra là cũng thấp cổ bé họng, dù là một trong những thành viên đầu tiên của Metoo. Bây giờ công ty đã có tầm 30 nhân viên, có nhiều bộ phận hơn, nhưng công việc thì không giảm đi, vấn đề ngày một nảy sinh. Ánh không phủ nhận nhờ tài năng quản lý của Minh Tuấn, trong vòng một năm ngắn ngủi Metoo đã trở thành một trong hai công ty sách trực tuyến lớn nhất nước. Nhưng một mình anh không thể giải quyết được hết tất cả công việc ở Metoo, mà phải chia ra cho nhiều trưởng bộ phận giải quyết. Các bộ phận trên danh nghĩa là làm việc độc lập, nhưng tất cả là do bộ phận support đứng mũi chịu sào. Thế mà mỗi khi Ánh đưa đề xuất, ý kiến hoặc chỉ là trình bày lại những phản hồi của khách hàng, những bộ phận khác, nhất là Marketing sẽ giãy lên. Trưởng bộ phận Marketing không ưa Ánh ra mặt, nhiều lần chỉ trích cô cố tình kiếm chuyện, chia rẽ nội bộ. Phải rất bản lĩnh, Ánh mới trụ lại được Metoo, cái công ty có một bộ phận thích chơi đòn tâm lý như thế này.

Tra chuột về phía một email khách hàng gửi, trong đó than phiền về việc đặt mua sách hôm trước, đến hôm sau mới nhận được điện thoại gọi xác nhận. Nếu là cuối tuần thì phải đợi đến tận tuần sau. Thật ra, Metoo có hệ thống email trả lời tự động. Điện thoại chỉ là một hình thức thể hiện sự quan tâm đến khách hàng, gần gũi khách hơn, và để xác nhận một lần nữa đơn hàng ấy là chính xác, vì nhiều khi khách hàng ấn mua nhầm cũng nên. Email tự động thì nhanh rồi, chưa đầy 10 giây sau khi khách ấn đặt hàng, đã nhận được mail. Còn điện thoại, nhân viên phải gọi từng cuộc, trung bình khoảng 30 giây đến 1 phút cho một lần xác nhận. Đơn hàng của Metoo lại rất nhiều, nhất là thời điểm có khuyến mãi, nhân viên support mà bao gồm cả Ánh cũng không thể gọi hết trong một ngày. Cuộc gọi cứ thế dồn sang ngày hôm sau, mãi không sao có thể xác nhận trong ngày, nói chi đến xác nhận ngay tắp lự. Vị khách hàng khó tính đã thôi phản hồi, fanpage tăng like liên tục, commnet khen gợi tới tắp, nhưng không vì vậy mà Metoo không nhận những khiếu nại dạng như vầy. Ánh vẫn chưa biết phải khắc phục tình trạng này bằng phương án nào, thì trong cuộc họp cuối tuần, bộ phận Marketing đã đưa ra đề nghị ngưng các cuộc gọi xác nhận trừ đơn hàng đầu tiên, chỉ sử dụng email tự động. Ý kiến này tiết kiệm tiền bạc, thời gian và nhân lực cho Metoo, nhưng hệ quả thì chắc hẳn không ít. Lúc Minh Tuấn đưa mắt hỏi, Ánh đáp là cần thời gian suy nghĩ thêm. Cô nàng trưởng bộ phận Marketing hết huých lại ngoáy Ánh khiến cô tội giùm đôi mắt cô ta.


Bình luận về bài viết này