Gia đình Saiya

Chúng tôi là Gia đình Saiya trong truyền thuyết

Anh yêu em, fangirl! 02

trên 04/06/2013

Muốn học đại học ở RMIT, điều kiện tiên quyết là trình độ tiếng Anh. Rất nhiều người phải đăng ký học Anh Văn cả năm. Đại học trường quốc tế, trình độ Anh Văn miễn bàn, lại chuẩn bị đầy đủ cho việc du học nên đã có IELTS, vào học thẳng đại học mà không cần phải qua lớp Anh Văn nữa.

Ngành học của Đại có tám học kỳ, mỗi học kỳ học tối đa bốn môn. RMIT không tính theo năm học mà tính bằng chứng chỉ, hoàn thành được đủ chứng chỉ thì tốt nghiệp. Đúng ra sinh viên có thể kết thúc trong hai năm rưỡi để tiết kiệm thời gian, nhưng học ở đây, bài vở những học kỳ cuối sẽ ngày càng nặng nên việc hoàn thành đúng kì hạn là điều không dễ dàng gì. Và thực tế cũng chưa sinh viên nào của trường có người hoàn thành thời gian học sớm vậy.

Như nhiều trường khác, hai học kỳ đầu bài vở còn nhẹ, mấy năm đầu như cưỡi ngựa xem hoa, học những môn lí thuyết chán òm, có khi chẳng hiểu cũng phải học, gọi là môn cơ sở. Đại và Nguyễn học được tám môn, học kỳ thứ ba còn ba môn, học kỳ thứ tư trở đi thì còn hai môn, và mỗi học kỳ kéo dài khoảng mười bốn tuần kể cả thi cử. Dĩ nhiên có nghỉ “xả hơi” giữa các học kỳ. Nghĩ tới đó, Đại thấy hơi lo, không biết những học kỳ tiếp theo có được thuận lợi như vậy không.

Sức học của Đại vốn rất tốt, nhưng thành tích luôn luôn thiếu một chút gì đó. Như năm xưa thi cờ tướng cấp quận, cậu chỉ đạt giải nhì. Trường cấp ba có xếp hạng theo khối, cậu cố lắm cũng chỉ nằm trong top 10, dù nhiều người nhận xét đáng lý cậu phải vào top 5 chung với Sam. Xét tuyển học bổng của RMIT, cậu vướng một chỉ tiêu không đạt được. Đại nỗ lực phấn đấu trong quá trình học, kết quả vẫn là không đạt được.

Ba của Đại bất ngờ lên tiếng với vẻ mặt nghiêm nghị quen thuộc:

– Tình hình học tập ở trường dạo này sao rồi?

Câu nói đã đánh trúng tim đen của Đại. Cậu ngước mặt lên ngơ ngác nhìn quanh, hi vọng ba đang nói chuyện với hai đứa em. Nhưng ba đang nhìn cậu và đợi câu trả lời.

– Dạ… cũng bình thường. – Đại lí nhí đáp. Cậu không hề tự tin vào câu trả lời của mình.

– Học phí không có rẻ đâu. Lo mà học đi đó. Hai đứa bây nữa, ráng học rồi đi du học đi. Nhà này bán từng bịch trà cho tụi bây ăn học đó. Liệu hồn! Học hành làng nhàng tao đánh tét mông!

Đại thấy chột dạ. Cậu thừa biết một môn học lại ở RMIT tốn cả chục triệu đồng. Nhưng mà cái vận đen về kết quả có chịu buông tha Đại đâu. Kết quả học ở trường không được như cậu mong muốn. Thôi thì cậu chỉ biết cố gắng hết sức mình, học thật chăm chỉ và cầu mong cho số phận đừng quá nghiệt ngã. Cậu biết ba mình nói được là làm được.

Đại liếc nhìn chiếc đồng hồ treo tường và giật mình nhận ra sắp bị muộn. Cậu cố gắng ăn thật nhanh. Hôm nay cũng là Orientation Day, ngày Định Hướng dành cho tân sinh viên đến thăm thú trường. Lớp cậu vẫn được nghỉ thêm vài ngày nữa mới bước vào học kỳ mới. Đại đến trường chỉ vì một cái trò khỉ của thằng Nguyễn, cái thằng bạn yêu quý vẫn tiếp tục song hành cùng cậu ở trường đại học.

Đại phóng như bay đến trường, nhanh đến độ cậu không ý thức được có công an đứng chốt hay không, chỉ biết là nếu có thì hôm nay cậu cũng may mắn quá thể khi không bị anh bồ câu nào huýt còi. Hồi nãy lúc chuẩn bị dắt xe ra khỏi nhà thì một chiếc ba gác cồng kềnh áng ngay trước cửa, Đại phải đợi người ta chất hết đám trà lên xe, đề máy đi ra khỏi hẻm, cậu mới lật đật phóng đi chứ chẳng dám hó hé gì. Đại ngán nhất là trễ giờ lại bị Nguyễn càm ràm. Cái thằng coi vậy chứ cũng khó chịu lắm, đặc biệt nó có thể trễ giờ chứ người khác thì không. Đại thường mắng nó sống kiểu đó thì sang Ý mà sống vì người Ý có thể trễ giờ nhưng lại vô cùng khó chịu khi đối tác trễ. Cậu vẫn còn nhớ nguyên tắc ngoại giao đó lúc học môn Quan hệ quốc tế trước đây.

Đại thở phào khi ngôi trường dần hiện ra trước mắt, liếc nhìn đồng hồ mới trễ có hai phút. Từ xa cậu đã thấy dáng thằng Nguyễn thấp thỏm lo lắng chờ đợi đứng ngồi không yên, ngó nghiêng lung tung còn đôi chân mày thì nhíu lại, gương mặt đen-do-nắng-biển mà Nguyễn vẫn tự nhận, đã đen nay càng đen hơn. Đại nhìn thấy bộ dạng đó mà không nhịn được cười.

– Còn cười nữa hả, nhanh đi mày, trễ giờ bây giờ.

– Từ từ, thắt cổ cũng phải cho tao thở chứ. – Vừa cho xe vào bãi Đại vừa lên tiếng theo một câu nói trong phim TVB.

Nguyễn không thèm trả lời mà lôi tuột Đại theo mình vào khu tập trung sinh viên. Sân trường lúc này nhốn nháo rộn ràng hệt như khung cảnh trong ký ức của Đại một năm trước đây. Sinh viên kẻ đứng người ngồi loạn xạ cả lên.

Không như Đại luôn gắn chặt với gia đình, mặc dù là dân Sài Gòn chính gốc nhưng Nguyễn lại dọn vào ký túc xá của trường để ở. Lần đầu tiên trả lời thắc mắc của Đại, Nguyễn nhe răng cười “Lý do thì nhiều, nhưng có thể tóm gọi trong một chữ: thích!”. Lần thứ hai Nguyễn đáp để tiện việc ôn tập. Lần gần nhất thì cậu chàng đã chịu khai thật, bảo ở tại trường để dễ bề “hoạt động”.

– Tao quậy vậy, yêu đương lăng nhăng vậy, làm sao mà sống với gia đình như mày được. Bị ba mẹ phát hiện thì chết đòn nghe. 17, 18 hay 19 thì cũng không khác biệt gì đâu. Ngày nào còn ăn cơm của ba mẹ thì còn phải đeo mặt-nạ-con-ngoan trước mặt ba mẹ.

Nguyễn nói mình “ăn cơm của ba mẹ”, nhưng thực tế từ hồi vào đại học, Nguyễn luôn phấn đấu giành học bổng. Dù chỉ cuối tuần mới về nhà nhưng gia đình Nguyễn coi sóc kĩ lắm, nhất là mẹ, mẹ luôn là người bênh vực Nguyễn khi ba chuẩn bị tra khảo chuyện gì. Dĩ nhiên Nguyễn rất tinh ranh, luôn tỏ ra ngoan ngoãn và nghe lời mẹ để mẹ che chở. Còn em Nguyễn thì luôn xem anh mình là thần tượng. Nguyễn tuy không đẹp trai rạng ngời nhưng “da ngâm nhìn lâu thấy có duyên”, nó vẫn hay tự nói như vậy với một thái độ rất chân thành. Chiều cao của Nguyễn cũng không xê xích Đại là bao, 1m74. Cả hai gầy gò như nhau nhưng nhìn Nguyễn vô cùng năng động và khỏe mạnh. Độ sát gái thì miễn bàn. Trong mắt mấy cô nàng, anh chàng ăn mặc trẻ trung xì tin, cổ chân trái đeo một sợi lắc, mỗi lần đi phát ra tiếng chuông lách cách có sức hút lạ kỳ. “Bạn khác phái” duy nhất không hài lòng ngoại hình của Nguyễn là mẹ cậu. Mỗi lần về nhà mẹ Nguyễn lại lo lắng:

– Dạo này con gầy vậy? Sao không lo ăn uống cho đàng hoàng, tuần nào mẹ cũng gửi thức ăn thêm có ăn không đó?

Nguyễn lại cười giả lả:

– Dạ con ăn hết mà. Nhưng mà mẹ ơi, con nhớ mẹ quá trời, hôm nào cũng khuya lắc khuya lơ mới ngủ được thì làm sao mà mập cho nổi?

Thế là mẹ cũng khó lòng mà mắng được khi lúc nào Nguyễn cũng ngọt như mía lùi với mẹ kiểu đó.

Gia cảnh của Nguyễn khá giả hơn Đại nhiều. Nhà Nguyễn chỉ có bốn người, dưới Nguyễn là cô em gái tên Du Dương. Nguyễn rất thương em gái, nhớ hồi trước Đại thường chọc Nguyễn “Mày yêu đương kiểu như thế sau này coi chừng em gái mày bị trả báo”. Nguyễn rất ghét khi nghe cậu châm chọc như vậy, rồi cũng hứa cố gắng tìm một tình yêu đích thực nhưng tính nào vẫn tật ấy, không thay đổi được. Cứ theo như Nguyễn nói “Tính tao thương người. Hễ thấy em nào đẹp, dễ thương là tao không làm ngơ được”. Mà nói đi cũng phải nói lại, thật là khâm phục cái tài cua gái của Nguyễn.

Sở dĩ Nguyễn háo hức như thế vì hôm nay là ngày sẽ có tân sinh viên vào tham quan trường. Đây là lệ mỗi học kỳ của RMIT, các tân sinh viên sẽ được các tình nguyện viên là sinh viên các sem trước dẫn đi tham quan. Sem nào Nguyễn cũng rủ rê Đại đăng ký tham gia. Dĩ nhiên nguyên nhân chính là ngó xem có em nào được được thì vớ trước khi tới tay những thằng khác. Đại chơi với Nguyễn nên cũng bị lôi kéo theo, có điều lần nào cũng vậy, chỉ có Nguyễn câu được người đẹp, còn Đại, mặc dù ngoại hình không tệ, nhưng đứng cạnh Nguyễn khéo ăn khéo nói dễ bị che khuất. Kết quả là Nguyễn lúc nào cũng háo hức với mấy trò này nhưng Đại thì thất bại riết đâm ra ngán ngẩm và không thiết tha gì mấy.

Ba Đại không ưa Nguyễn lắm, thấy nó đến chơi ông chỉ lạnh nhạt gật đầu đáp lại lời chào của nó rồi lên thẳng gác. “Thằng này dạng lông bông, mai sau chắc chả làm nên trò trống gì. Không dính vào hút hít thì cũng khuynh gia bại sản mà thôi.” Có điều ba má Nguyễn đều làm trong ngành ngoại giao, quan hệ rộng nên ông cũng có vị nể đôi chút.  Nếu ông mà biết Nguyễn ngoài tính tình cà rỡn còn hay chọc gái, ông đã cấm cửa nó từ lâu.

Nói đâu xa, cách đây mấy bữa, Nguyễn chở Đại đi công chuyện. Chiếc xe đang phóng nhanh bỗng phanh gấp khiến Đại theo quán tính xô cả người vào lưng Nguyễn. Chưa kịp hoàn hồn để xem chuyện gì thì đã nghe tiếng Nguyễn thật như đếm:

– Em ơi cho anh hỏi trường RMIT còn xa không ?

Đại nhìn sang bên lề phải, một cô bé chừng 17, 18 tuổi, mặc bộ áo dài trắng, mái tóc đen nhánh thướt tha buông sau lưng. Cô bé như vẫn còn giật mình vì bị chiếc xe máy dừng ngay sát người.

– Dạ… anh đi lên ngã tư trước mặt, quẹo trái chạy xe chừng 10 phút nữa là tới.

– Cảm ơn em nhiều nghe. Em đang gấp hả? Lên xe anh chở đi, bạn anh nó xuống đây rồi.

Đại tức tối nhìn Nguyễn. “Con bé mà đồng ý chắc nó dám bỏ mình giữa đường.”

Cũng may cô bé mím môi e thẹn lắc lắc đầu:

– Dạ em cảm ơn. Quẹo cái là tới trường em rồi.

Nguyễn vẫn không buông tha, nó liếc cái móc khóa hình một ban nhạc nào đấy treo tòn ten ở cặp cô bé, hỏi bằng giọng tò mò:

– Em ơi, móc khóa của em hình ai mà quen quen?

Cô bé không chút cảnh giác, dừng lại, thật thà trả lời:

– Dạ, là Suju ạ.

– A, hèn chi thấy quen quá trời. Em của anh nó mê Suju lắm. Em mua cái móc khóa này ở đâu chỉ anh với, anh mua cho em của anh.

Không biết vì gặp người muốn mua hình thần tượng mình hay vì gặp người thương em gái, mà cô bé mặt mày tươi rói hướng dẫn rất tận tình chỗ mua. Thế nhưng Nguyễn vẫn tỏ vẻ bối rối không tiếp thu nổi đường đi. Cuối cùng, nó giả vờ liếc nhìn đồng hồ rồi nói giọng năn nỉ:

– Chết, anh trễ giờ rồi, còn phải đi kiếm trường nữa. Thôi em cho anh số điện thoại, có gì anh gọi lại hỏi em sau hén. Em gái anh nó mê mấy cái này lắm.

Cô bé mím môi ra chiều suy nghĩ, rồi len lén nhìn cái anh có tình thương dạt dào với em gái cũng là ELF như mình, cuối cùng lí nhí:

– Dạ số em là 0122…

Đại chỉ còn biết thở dài, quá quen thuộc với cảnh này rồi.


Bình luận về bài viết này