Gia đình Saiya

Chúng tôi là Gia đình Saiya trong truyền thuyết

[Truyện dài] A lô, Em Yêu Anh! – Chap 27 (mới)

trên 15/06/2012

A lô, em yêu anh!

Tác giả: Gia đình Saiya

Chap 27

“Tôi cầm xe rồi”.

Câu nói thoảng nhẹ bên tai, nhưng lại khiến Ánh nghe mình nghèn nghẹn. Cô vùng trở mình lại, nhìn chăm chăm Sam, rồi không kềm được, ngồi bật dậy và nạt lớn:

“Sam điên à?”

Sam hoảng hốt đưa tay chặn cô lại:

“Ánh làm gì vậy? Muốn chủ nhà trọ đuổi đi hết à?”

Thực ra, câu nói này cũng là Sam học từ Ánh mấy đêm trước, khi cậu trót làm ồn trong đêm. Ánh nghĩ, có lẽ ông chủ nhà trọ cũng lờ mờ đoán được quan hệ nhằng nhịt giữa hai người không phải chị em như Ánh đã nói, nhưng vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua. Gì chứ việc sinh viên mang bạn trai bạn gái về phòng sống chung giờ vốn đã phổ biến trong xã hội, các bậc phụ huynh muốn tìm một khu nhà trọ kín cổng cao tường quy định chặt chẽ để yên tâm phần nào cho con gái ở còn khó hơn lên trời, huống chi dãy phòng này đa số đều là người đã đi làm. Nhưng Ánh vẫn không muốn gây chú ý quá nhiều bởi những âm thanh khác lạ trong đêm tối, nên đôi lúc vẫn dọa Sam bằng câu nói đó.

Ánh nhìn trân trân Sam một lúc, rồi lại buông người nằm xuống. Cô nhìn chăm chú vào mắt Sam và hỏi, tại sao?

Giọng Sam vẫn nhỏ xíu như tiếng muỗi: “Tôi nói rồi đó…”

Anh xoay người, đưa mắt nhìn ánh đèn vàng vọt hắt ra từ cái bóng đèn nhỏ xíu ghim ở ổ điện gần cánh cửa. Cầm xe… Những hình ảnh lộn xộn, chắp vá lại hiện ra trong đầu cô. Vỉa hè lát gạch con sâu, những bước chân đi tới đi lui như đang phân vân dè dặt, tiệm vàng lấp lánh ánh đèn rực rỡ, tủ kính sáng lóa khóa chặt, bà chủ mập mạp với những ngón tay múp míp đeo đầy những chiếc nhẫn to cộ đính hạt xanh đỏ, cửa hiệu tối om chỉ có một tủ gỗ hình chữ nhật, một anh chàng ngồi sau quầy với dây chuyền đầu lâu xương chéo trên cổ và một hình xăm lấp ló nơi bắp tay, những tờ biên nhận ghi nguệch ngoạc, đứa con gái rụt rè hỏi số tiền sẽ được nhận ,sau đó bặm môi kiên quyết gỡ luôn đôi hoa tai đã mang từ khi còn bé xíu, bàn tay chậm chạp tháo sim điện thoại ra khỏi điện thoại trước khi giao máy cho chủ tiệm, rồi cũng thật đột ngột chính bàn tay đó bẻ gãy chiếc sim làm đôi như muốn đoạn tuyệt với quá khứ… Cảm giác khó chịu, tủi nhục khi phải mang những thứ thân thiết ra cầm cố, Ánh vẫn nhớ, cả sự tức tưởi khi chỉ vì không kiếm nổi vài chục nghìn đóng lãi mà phải mất luôn cái điện thoại được mẹ mua cho làm quà khi tốt nghiệp cấp 3, cô cũng chẳng thể quên. Ngày đó, số tiền ít ỏi dành dụm được của cô đã tiêu tốn gần hết cho việc đặt cọc tiền thuê nhà trọ, dù chỉ là một căn phòng trọ nhỏ xíu tồi tàn đủ để ngủ và kê vài thùng giấy đựng đồ dùng, nhà tắm phải xài chung với cả dãy, bằng tốt nghiệp cấp 3 chỉ đủ để cô xin làm công nhân ở một xưởng in tư nhân, công việc thì vất vả mà đồng lương thì bèo bọt, trong khi sức khỏe cô lại rất tệ sau lần phá thai. Đôi ba lần choáng váng đến độ ngất xỉu khiến cô phải nghỉ làm, buộc lòng phải mang nhẫn và bông tai ra tiệm vàng cầm cố, không lâu sao phải mang nốt điện thoại ra tiệm cầm đồ. Sau này cô chuộc nhẫn lại, sau đó bán đứt rồi bù thêm tiền để chuộc bông tai, còn điện thoại thì do đóng lãi trễ một tuần, khi quay lại chủ tiệm đã thanh lý mất. Anh chàng trông ngầu thế nhưng nói chuyện cũng khá hiền, giải thích với cô rằng thực ra bình thường đồ cầm dù không chuộc kịp anh ta vẫn thường để khoảng 10 ngày mới xử lý, nhưng cái điện thoại của cô do kiểu dáng xinh xắn dễ thương nên có người đòi mua, dù sao cô cũng trễ hạn tiền lãi rồi nên anh ta bán luôn cho nhanh gọn. Ánh đờ người. Từ đó về sau, dù vẫn có lúc thất nghiệp, nhưng Ánh luôn cố chừa đường lui cho mình để khỏi phải bước chân vào tiệm cầm đồ thêm lần nào nữa.

Còn Sam, khi mang xe máy đi cầm, cậu có đắn đo cân nhắc, có rụt rè e ngại không biết giấu mặt vào đâu bởi sợ ánh mắt của người chủ tiệm, dù họ rất bình thản? Và vì sao cậu phải làm như thế khi chưa lâm vào cảnh khốn cùng như cô ngày đó? Chỉ vì ức chế muốn chứng minh mình sẽ kiếm được tiền nhưng không được nên dùng cách trẻ con đó? Vì không muốn cô đi làm về muộn? Một chiếc xe máy có thể không quá ý nghĩa như kỷ vật, nhưng dù sao cũng là thứ cậu sử dụng hằng ngày, khi phải mang cầm, hẳn đâu tránh khỏi cảm giác buồn tủi. Và, cầm được một lần thường sẽ có lần hai, dù có chuộc lại được, sẽ có những lúc khó khăn, cậu lại nghĩ đến phương án cầm cố đồ đạc…

Ánh nói như ra lệnh:

“Mai đi chuộc về đi.”

“Không!”.

“Vậy thôi, đừng nói chuyện với tôi nữa.”

“… Không chuộc được ngay đâu.”

“Tại sao?”

“Cầm một tuần phải đóng lãi… Mai đi lấy cũng phải đóng lãi như một tuần…”

“Thì cứ lấy đi, lấy sớm có xe chạy, xe để lâu dễ hư lắm. Có khi chủ tiệm luộc đồ nữa. Coi như mất tiền lãi.”

“… Không đủ tiền đóng lãi.” Giọng Sam vẫn nhỏ bên tai.

Ánh quay sang nhìn Sam, cô chỉ muốn thở dài.

“Bao nhiêu? Tôi cho mượn. Từ nay về sau có muốn làm gì thì bàn trước với tôi”.

“… Ánh cũng phải thế.”

“Đừng đặt điều kiện với tôi, Sam.”. Vừa nói, Ánh vừa xoay lưng lại với cậu, tỏ ý không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện. Cô nghe tiếng Sam trở mình qua lại như đêm qua, rồi vẫn vòng ôm quen thuộc ấy choàng lấy người cô từ phía sau. Ánh khẽ giãy ra, Sam đã ghì chặt lại. Dường như cậu nói, tôi lo cho Ánh mà. Cô lẩm bẩm, tôi không cần cậu lo cho tôi, chỉ cần cậu biết tự lo cho mình là đủ, rồi chìm dần vào giấc ngủ. Cô không quan tâm chuyện Sam thức trắng đêm ôm cô như thế, đến gần sáng mới thiếp đi, có lẽ vì mệt mỏi nên cô gỡ tay Sam ra để dậy cậu cũng không tỉnh giấc.

Dằn lại trên bàn một số tiền kèm tờ giấy nhớ dặn những thứ cần mua như thường lệ, cô lại đi làm. Trên đường ra xe buýt, Ánh ngẫm nghĩ lại cái gật đầu hôm qua của mình với Tuấn. Không phải cô không biết mình sẽ thêm việc thêm mệt, quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm, nhưng ngoài lý do cần tiền, cô còn một lý do khác để nhận lời. Nhiều lần thay đổi công việc, chưa ai mở ra cho cô một cơ hội để gắn bó lâu dài và thăng tiến. Không thể phủ nhận, những lời khích lệ của Tuấn khi nói sự tin tưởng của anh với cô khiếm cô có cảm giác khá dễ chịu. Hơn nữa, cô không nhận lời, Tuấn cũng sẽ tìm người khác. Khi muốn xốc lại công việc vào quy củ mới, chắc gì người quản lý chất lượng mới không bày việc ra cho đám nhân viên support phải vắt giò lên cổ mà chạy theo?

Thế nên, Ánh không thay đổi ý định đó. Chỉ khi trao đổi với Tuấn cụ thể hơn về những việc trong thời gian tới, cô ngập ngừng một chút rồi đưa ra đề nghị về giờ giấc. Tuấn im lặng một chút như cân nhắc, rồi đồng ý. Anh khéo léo hỏi cô có bận việc gia đình hay học thêm buổi tối không, nếu thỉnh thoảng có việc đột xuất hoặc họp trễ, liệu cô có thể về muộn? Cô đáp rằng nếu chỉ là thỉnh thoảng thì không vấn đề gì, cô sẽ thu xếp. Enter câu trả lởi xong, Ánh chợt khẽ mỉm cười. Dường như mình là một bà mẹ trẻ nôn nóng về nhà để chăm sóc gia đình, con cái vậy. Nhưng nụ cười ấy mau chóng vụt tắt, khi cô nghĩ về quan hệ giữa cô và Sam. Không phải bạn bè, chẳng phải người yêu, Sam như một người em trai để cô phải lắng lo chăm sóc. Nhưng có đứa em trai nào lại gắn bó thân xác với chị mình như thế, trừ khi loạn luân? Có lẽ, cô nên gọi Sam là bồ nhí, hoặc người tình nhỏ bé, nếu xét theo khoảng cách tuổi tác giữa hai người.

Tiếng điện thoại reo lên khiến cô giật bắn người, hít sâu một hơi rồi nhấc máy. Mọi người bận rộn với công việc và quá quen với tiếng chuông reo nên không ai quay lại nhìn, nếu không sẽ phát hiện gương mặt kém vui của Ánh khi phát giác dạo gần đây mình có những giây phút lơ là công việc khi nghĩ về Sam. Rất may mắn là cuộc điện thoại này làm Ánh tạm quên đi những khúc mắc trong lòng mình. Chủ nhận của cuộc gọi là “đại khách hàng” ngày trước vẫn gọi điện thoại đến phản ánh, góp ý cho Metoo, có khi chỉ một chuyện mà Hân nói là bé tẹo như đang tiếp điện thoại với khách mà cần hội ý với đồng nghiệp thì nên chuyển sang chế độ chờ bằng một bài hát chứ đừng quay qua quay lại “Ủa chị…” thế này thế kia cả khách cũng nghe được. Không biết có phải vì thái độ hiếu khách và nhẫn nại của Ánh không mà “đại khách hàng” sau một thời gian làm tình làm tội, rồi nhận được sự khắc phục mau chóng của Metoo mà anh đâm ra vui vẻ hơn trước. Giờ anh như người bạn thân quen gọi điện thoại đến động viên, đôi khi là hiến kế cho Ánh trong công việc chăm sóc khách hàng. Như lần này anh nói về phiếu thăm dò ý kiến khách hàng. Không phải là phiếu khảo sát dạng khách thích sách gì, quà tặng gì… mà là thăm hỏi khách hàng về thái độ phục vụ của Metoo. Sau mỗi lần khách hàng nhận được đơn hàng mới, họ sẽ nhận được một phiếu khảo sát qua mail, chỉ cần tick vào các câu trả lời có sẵn, mỗi một phiếu sẽ nhận được một số điểm tặng có thể quy đổi cho việc mua hàng trên Metoo. Cứ như vậy, trò chuyện với “đại khách hàng” không chỉ trở thành một phần trong công việc, mà còn là một phần trong cuộc sống của Ánh. Nỗi ám ảnh ngày xưa của Hân trở thành một nguồn khích lệ sau những tháng ngày mệt mỏi vì công việc của Ánh.
Lúc đi ngang qua bãi giữ xe của khu trọ, Ánh cố ý đưa mắt dò tìm và khẽ thở phào khi thấy chiếc Air Blade quen thuộc của Sam. Về đến nhà thì Sam cũng vừa nấu ăn xong. Sam không giấu diếm niềm vui khi Ánh giữ lời hứa về đúng giờ. Nhưng đến khi Ánh nghiêm túc nói về công việc và những lý do cô đồng ý nhận lời thăng chức, Sam chỉ im lặng lắng nghe, chốc lát lại cúi đầu xuống nhìn mặt bàn để thể hiện vẻ không vui. Kết thúc câu chuyện, Ánh thở dài đứng dậy. Không thể trông mong sự thông cảm từ Sam được. Khi Ánh xoay lưng về phía Sam, đột ngột cô nghe giọng Sam với theo, khiến cô khựng lại.

“Làm thì làm nhưng nhớ giữ gìn sức khỏe. Không vì tôi thì cũng vì bản thân Ánh, được không?”


5 responses to “[Truyện dài] A lô, Em Yêu Anh! – Chap 27 (mới)

  1. Annie nói:

    chào buổi trưa. thanks bạn nhe. 🙂

  2. Annie nói:

    hello. sao kỳ này lâu có chương mới nhỉ? nice day! 🙂

Bình luận về bài viết này