Gia đình Saiya

Chúng tôi là Gia đình Saiya trong truyền thuyết

[Truyện dài] A lô, Em Yêu Anh! – Chap 10 (chỉnh sửa)

trên 04/06/2012

A lô, em yêu anh!

Tác giả: Gia đình Saiya

Chap 10

Ánh không ném Sam ra ngoài cửa sổ. Cô gườm gườm nhìn cậu một chút rồi đi về phía góc phòng.

Sam lẵng nhẵng bám theo.

Mặc kệ cậu đứng ngay phía sau với hàng loạt câu hỏi “Này, chị nấu ăn ngay trong phòng à?”, “Chị định nấu gì đấy?”, Ánh chỉ im lặng lục từ chạn ra một ngăn trong cặp lồng inox, đổ nước vào, đặt lên cái bếp gas nhỏ rồi bật lửa, sau đó nhón chân mở cửa ngăn tủ nhỏ trên cao lấy xuống mấy gói mì.

“Không phải chứ, chị định cho tôi ăn những thứ này?”.

“Thì sao?”.

“Không sao, nhưng tôi muốn có lựa chọn khác. Mà ngày thường chị cũng ăn thế này à? Hèn chi người như cây sậy. Mà này, tôi không ăn hết nhiều thế đâu. Này…”

Ánh nhăn mặt. Cô nhớ lại vẻ nghiêm khắc mình vẫn thường dùng mỗi bận dạy thêm kiếm chút tiền còm, sau đó quay lại bảo cậu: “Cậu có hai lựa chọn, ăn hoặc không ăn. Còn nữa, tôi cũng có hai lựa chọn là nấu hoặc không nấu, thế nên tốt nhất là cậu cân nhắc giữa việc im hay không im. Thế thôi. Tôi không phải Bốn Mắt để cậu hạch sách”.

Không biết vẻ nghiêm nghị đó tác dụng tới đâu, chí ít là khi Ánh bưng tô mì lên đặt trên bàn vi tính, Sam hoàn toàn không làm ồn gì nữa, thậm chí còn nhanh nhảu phụ cô bưng tô thứ hai lên, sau đó tròn mắt nhìn cô cầm đũa ăn tô thứ nhất một cách ngon lành.

“Không phải chứ? Tôi tưởng chị nấu hết cho tôi?”. Giọng Sam ấm ức như thể Ánh ăn hết phần của cậu.

“Nấu hết cho cậu thì tôi để hai tô riêng làm gì cho phí công rửa chén?”. Ánh không ngẩng đầu lên.

“Vậy lúc nãy chị nấu mì trong cái ngăn gà mên làm gì cho phí công rửa thêm nó?”.

Ánh chống đũa xuống, ngước mắt nhìn lên. Cô phát hiện Sam có trí nhớ khá tốt, và trí nhớ đó thường được dùng để chọc tức cô bằng cách nhại lại từng câu từng chữ những gì cô đã nói, hoặc nhắc những thứ cô đã làm.

“Vì không thích nấu kiểu châm nước sôi vào tô rồi đậy nắp. Mà tô kiểu thì không nấu trực tiếp lên bếp được. Hiểu chưa? Cậu không ăn được thì đưa qua đây, đừng có vọc vọc như thế.”

“Không có rau hay trứng gì à.” Giọng Sam chuyển sang kiểu buồn bã như lúc ở trạm xăng. Lần này Ánh dứt khoát không để mình bị lừa nữa.

“Bếp nhà tôi chỉ có thế, tôi nói rồi, cậu có quyền lựa chọn giữa ăn hay không ăn”.

Nói xong, cô lại cúi xuống, chuyên tâm vào tô mì. Sam không than vãn gì thêm, có lẽ cậu cũng nhận ra tô mì của cô không khác gì của cậu, ngoài chuyện có vẻ nhiều nước hơn. Và nếu bếp nhà cô giống như cậu đã thấy khi nãy, thì đòi hỏi cô ra ngoài trong thời tiết thế này để mua thêm gì đó thì quả là có phần quá đáng thật.

Mưa vẫn rơi xối xả trên mái tole. Trong căn phòng nhỏ, hai người im lặng cắm cúi bên tô mì ăn liền chỉ có mỗi vị mặn. Khi Ánh tưởng mình sắp được yên thân thì Sam lại bắt đầu mở đài với một loạt những câu hỏi khác.

“Khi nãy tôi không đòi ăn thì chị định nhịn đói đến bao giờ?”.

“Ngày thường buổi tối chị cũng ra quán ăn như lúc trưa ở Trắng à? Có thường lười như hôm nay không?”.

“Chị ở một mình thế à?”.

Ánh thầm cám ơn Trời Phật, chưa có khách hàng nào hỏi vặn vẹo cô chuyện đời tư nhiều đến thế. Khi tô mì sắp hết, cô buộc lòng phải chống đũa nhìn lên lần nữa.

“Cậu hỏi đủ chưa? Cần làm cả bài phỏng vấn về tên tuổi quê quán tình trạng hôn nhân luôn không?”.

Dường như chỉ chờ có thế, Sam nhe răng cười với cô như thể những câu hỏi nãy giờ chỉ nhằm hướng đến những thông tin đấy, nụ cười lấp lóa dưới ánh đèn. Ánh chợt phát hiện ra một điều mà trước giờ cô chưa bao giờ cách cậu một khoảng cách đủ gần để chú ý.

Sam đang phải niềng răng.

Nhận ra vẻ cười không che giấu trong ánh mắt cô, Sam nhăn mặt “Chị nhìn cái gì? Chưa thấy trai đẹp niềng răng bao giờ à?”.

Lần này thì Ánh bò lăn ra bàn mà cười, khiến Sam phải ngoài người kéo tô mì của cô sang phía bên mình vì sợ cô quơ tay làm đổ. Cậu lặp lại câu hỏi: “Chị cười cái gì mà cười? Chưa thấy trai đẹp niềng răng bao giờ à?”.

“Chưa, chỉ thấy gái sắp đẹp đang niềng răng, và trai đang đẹp đã tháo niềng thôi.”

“Tôi là trai đang đẹp và đang niềng, thì sao nào?”

Sam vừa hỏi vừa gắp những đũa mì cuối cùng, sau đó chồng tô của mình lên tô của Ánh, rồi chăm chú nhìn cô. Ánh cũng chẳng hiểu sao mình lại cười thoải mái thế bởi một việc không lấy gì làm buồn cười cho lắm. Cô ngồi dậy nghiêm chỉnh, đưa tay với lấy hai tô mì trên bàn thì Sam đưa tay chặn lại. “Chị chưa trả lời tôi mà?”.

“Trả lời gì? Cậu thích nghĩ mình là trai đẹp thì cứ tự nghĩ đi, hỏi tôi làm gì?”.

“Không, tên tuổi chị kìa. Mà này, chị có bệnh không đấy, lúc nào tay cũng lạnh ngắt?”.

Đây là lần thứ ba trong đêm Sam hỏi Ánh câu này. Cô không trả lời, lặng lẽ giằng mạnh tay mình về, nhưng tay Sam vẫn nắm chặt tay cô. Cô ngước mắt nhìn lên, vừa mở miệng định mắng cậu một câu, thì một ngón tay ấm đã chạm khẽ môi mình. Cô sững người vì tiếng Sam quát khẽ “Yên nào”.

Dường như chỉ trong tích tắc, mà dường như cũng thật lâu, khi ngón tay đó lướt nhẹ dọc bờ môi cô, rồi cũng thật đột ngột rụt về. Kế đó là một câu mà cô không phân định rõ được là quan tâm hay giễu cợt: “Môi thì khô khốc thế kia, vừa ăn mì xong cũng chẳng bóng thêm được tẹo nào. Sau này nhớ ăn cà chua nhiều vào, kẻo người ta không biết chị là con gái”.

Ánh nhìn ánh mắt cậu, rồi lại nhìn xuống tay mình. Cô thôi không giằng ra, mà bấm mạnh móng tay cái của mình vào tay cậu. Có lẽ là có tác dụng, bởi ngay sau đó tay cô đã được giải thoát, và kèm đó là tiếng Sam hét lớn “Chị quá đáng vừa thôi!”.

Ánh đứng dậy đi về phía bình nước lọc ở gần đầu giường, vừa đi vừa nói với Sam mà không quay đầu lại: “Cậu sợ tay tôi lạnh, thì đi mà rửa tô giúp tôi.”

“Tôi không biết rửa”. Tiếng Sam làu bàu.

Đến lượt Ánh giễu cợt: “Vậy sao? Nghe nói chuyện rành rẽ nhiều thứ quá mà, tưởng chuyện này cậu cũng biết? Mà nhà của tôi, mì của tôi, nấu tôi cũng nấu rồi, cậu rửa mới công bằng chứ?”.

“…Mai tôi trả tiền ăn trưa ở Trắng cho chị là được chứ gì”.

“Cậu chưa nghe câu ‘Miếng khi đói bằng gói khi no’ à?”.

“… Tôi mời ba ngày!”.

“Công tử bột có khác”.

“Một tuần, được chưa?”. Giọng Sam xuống nước van vỉ.

Ánh vẫn không tỏ ý buông tha. Thế là cậu ta lạch cạch ôm chồng tô và đống muỗng đũa trên bàn xuống sàn nước cạnh bếp.

“Nếu tôi làm vỡ thì sao?”.

“Cậu dám?”.

“Tôi đền cho chị một chồng tô mới”.

“Tôi ném ba lô của cậu xuống đường rồi mua cho cậu một chục cái mới”.

“Chị có biết ba lô này tôi mua bao nhiêu không?”

“Vậy tôi ném cậu.”

Sam không nói gì nữa. Cậu lừng khừng một hồi rồi với tay vặn vòi nước. Rồi mặc cho nước tuôn xả, cậu quay qua lấy chai nước rửa, quay lại lấy miếng rửa chén. Ánh nãy giờ vẫn quan sát cậu, lòng dạ xót xa thấy mấy trăm đồng tiền nước của mình xả ra vô ích, nhưng ráng kìm lại. Chỉ đến khi Sam bóp chai, một dòng nước sệt vàng đổ lên miếng rửa, rồi câu lại loay hoay chùi cái tô không có lấy miếng bọt, rồi một lần nữa lặp lại động tác bóp chai, rồi chùi cái tô còn lại, rồi bóp chai, chuẩn bị chùi tới muỗng thì cô buộc phải lên tiếng:

“Cả đời cậu chưa từng rửa chén à?”

Sam không trả lời, chỉ xoay người lại nhìn Ánh bằng đôi mắt khó hiểu. Bộ chưa từng rửa chén kỳ lạ lắm sao. Chẳng phải tôi đã trân người ra đây rửa chén theo yêu cầu của chị rồi à?

Ánh thở dài, nhẹ giọng:

“Chắc là bình thường có người giúp việc làm hết rồi chứ gì…”

Anh đứng dậy, tiến về phía Sam mà không để ý môi cậu mấp máy định nói điều gì đó nhưng lại thôi.

“Ngồi yên đó đi, tôi qua chỉ cho”.

“Trước tiên là cho nước rửa chén vào một cái tô sạch, thêm ít nước, đánh cho nổi bọt rồi bắt đầu rửa. Muỗng, đũa, chén hay tô gì thì cũng chỉ cần nhúng xơ mướp với bọt là được rồi, không cần mỗi cái lại phải đổ nước rửa chén ra một lần đâu”.

Ánh dán mắt vào một ít đồ dơ, vừa làm vừa hướng dẫn cho Sam mà quên rằng cô đã tự mình rửa luôn chúng. Cô lại thở dài, thôi kệ, cũng chỉ có hai cái tô. Sam vẫn đứng kế bên, ra vẻ chăm chú nghe cô chỉ dẫn. Có phải học sinh trường quốc tế nào cũng tệ vậy không? Em út của cô tệ tới đâu cũng biết bắt nồi cơm.

Khi mọi thứ đã yên vị trên giá, Ánh bỗng đâm ra lúng túng. Cô không biết từ giờ đến khi Sam về mình sẽ phải trải qua những chuyện gì, chẳng biết Sam có bất thần làm những chuyện như nắm tay hoặc chạm  tay lên môi cô như khi nãy nữa không. Dù cô biết, những va chạm đó không có ý niệm sâu xa gì, nhưng vẫn khiến cô cảm thấy không quen.

May thay, sau khi mượn lại cái khăn cũ để lau tay, Sam dọn một góc bàn rồi lôi ipad từ ba lô ra, chăm chú ngồi chơi game, không hỏi han gì đến cô nữa. Thi thoảng, cậu lôi điện thoại từ túi ra, bấm bấm vài tin nhắn, rồi lại chú mục vào màn hình ipad. Khi đã chắc chắn không bị Sam làm phiền nữa, Ánh vơ lấy một quyển sách trên kệ, rồi kéo ghế ra gần cửa phòng ngồi đọc.

Độ nửa tiếng sau, khi cô hoàn toàn chìm vào thế giới của những trang sách, thì tiếng reo của Sam lại đánh thức cô khỏi trạng thái mơ hồ đó.

“Tôi về đây. Bạn tôi đến rồi”.

“Trời còn mưa mà?”.

“Mưa tới sáng thì chị cho tôi ngủ lại đây chắc?”.

“Đương nhiên là không”.

“Tôi về đây, chị đừng xuống tiễn”. Vừa nói, Sam vừa nhanh tay thu dọn đồ đạc cho vào ba lô, rồi xốc lên vai, sau đó nhanh chân chạy ra ngoài, khiến Ánh không kịp trở tay. Sự vội vàng của Sam khiến Ánh không khỏi nghĩ đến việc kiểm tra lại mớ tài sản còm cõi của mình. Cậu thậm chí còn không nói được một tiếng cám ơn cô! Nhận ra điều đó, cô bực mình đến độ chẳng thèm ra cửa sổ nhìn theo xem cậu về thế nào như đã định.

Vừa ném chiếc khăn cho Sam mượn vào thau đồ để mai giặt lại, tiếng đập cửa vang lên, kèm tiếng gọi quen thuộc, không phải của anh hàng xóm: “Này, chị đi ngủ rồi à?”, cô cáu kỉnh bước ra và gắt “Quên gì à?” thì đã bị dúi ngay vào tay một túi đồ nóng hổi kèm lời dặn “Cấm để qua đêm”, sau đó chỉ kịp nhìn một bóng lưng chạy xuống thang.

Ánh quay vào phòng, chốt cửa lại, rồi nhìn cái túi trong tay mình.

Cô tưởng tượng đến vẻ mặt của cái đứa xui xẻo bị hành hạ, vừa phải sang đón Sam trong thời tiết thế này, dọc đường lại phải tìm mua hai thứ nóng hổi trong túi.

Bánh bao và sữa đậu nành.


Bình luận về bài viết này